Ấn Độ - đối tác nhiều tiềm năng
Ngày nhập : 08/03/2018 16:20
Ấn Độ đang nổi lên là đối tác thương mại, đầu tư nhiều tiềm năng của Việt Nam.

Theo Tổng cục Hải quan, trong năm 2017, Ấn Độ là quốc gia xếp thứ 12 trong hơn 200 đối tác thương mại của Việt Nam trên thế giới. Xét riêng trong châu Á, quốc gia này là đối tác lớn thứ 9 của Việt Nam.
 

Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương cho biết, quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Ấn Độ đã có những bước phát triển vượt bậc, đặc biệt là kể từ khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ được ký kết vào năm 2009.

Tính riêng trong năm 2017, tổng trị giá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Ấn Độ sơ bộ đạt 7,63 tỷ USD, tăng mạnh 40,5% so với năm 2016. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ đạt gần 3,76 tỷ USD, tăng 39,7% so với năm 2016. Nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ Ấn Độ vào Việt Nam đạt 3,87 tỷ USD, tăng 41,2% so với năm 2016. Với tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại hàng hoá như vậy, có thể nói mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên mức 15 tỷ USD vào năm 2020 hoàn toàn có thể đạt được.

Tuy nhiên nếu so với quy mô của thị trường Ấn Độ, mức kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn được đánh giá là dưới tiềm năng. Bởi thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho thấy, trong các năm gần đây Ấn Độ luôn nằm trong top 20 quốc gia có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới. Sản phẩm chế tạo là ngành mũi nhọn trong cả xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa của Ấn Độ với tỷ trọng lần lượt là 68,4% và 47,8%. Hiện nay hàng hoá nhập khẩu vào Ấn Độ chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc với tỷ trọng 17%; tiếp theo là EU chiếm 11,3%. Ấn Độ cũng thuộc top 10 quốc gia có trao đổi thương mại dịch vụ lớn nhất trên thế giới. Trong đó, các dịch vụ chủ yếu của quốc gia này bao gồm giao thông vận tải, du lịch, dịch vụ thương mại khác…

Với quy mô thị trường lớn, nhu cầu sản phẩm đa dạng, Bộ Công thương cho biết, Ấn Độ là thị trường tiềm năng để Việt Nam mở rộng xuất khẩu một số nhóm mặt hàng như: nông sản, thủy sản, sản phẩm gỗ, da giày… Ở chiều ngược lại, có thể mở rộng nhập khẩu một số nhóm hàng nguyên phụ liệu đầu vào từ Ấn Độ để phục vụ cho các ngành dệt may, da giày, chế tạo máy…

Về phía đầu tư, chỉ tính riêng trong năm 2017, vốn FDI từ Ấn Độ vào Việt Nam đạt khoảng 187,5 triệu USD, chiếm tới gần 25% tổng vốn FDI của quốc gia này cam kết vào Việt Nam trong 30 năm qua. Qua đó có thể khẳng định rằng sự quan tâm của NĐT Ấn Độ đối với thị trường Việt Nam đang gia tăng mạnh mẽ.

Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay, Ấn Độ là đối tác đầu tư lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung và Tây Á, với 756,3 triệu USD, tương ứng 169 dự án, đứng thứ 27/116 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.

Cũng cần nhắc lại rằng hiện nay Tập đoàn Tata đang theo đuổi dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú II có tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD tại tỉnh Sóc Trăng. Nếu được ký kết thành công, đây sẽ là dự án đầu tư lớn nhất của Ấn Độ tại Việt Nam có thể đưa nước này vươn lên top 20 NĐT nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.

Ông Neeraj Malik, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Ấn Độ tại Việt Nam cho biết, Việt Nam đang trở thành môi trường đầu tư hấp dẫn với DN Ấn Độ, đặc biệt xu hướng đầu tư ngày càng mở rộng trong các lĩnh vực khác như năng lượng, may mặc… Gầy đây, rất nhiều DN Ấn Độ bày tỏ quan tâm đầu tư vào khu vực miền Trung trong lĩnh vực năng lượng mặt trời, năng lượng gió.

Tuy nhiên, quốc gia này cũng đang nổi lên như một đối thủ cạnh tranh thu hút FDI lớn của Việt Nam. Năm 2015, lần đầu tiên Ấn Độ đã đứng đầu thế giới về thu hút FDI (63 tỷ USD), vượt qua Trung Quốc (56,6 tỷ USD) và Mỹ (59,6 tỷ USD). Trong năm vừa qua, Ấn Độ cũng khiến nhiều đối thủ trong thu hút FDI phải dè chừng khi Apple công bố sẽ hợp tác sản xuất điện thoại iPhone tại đây.

Những lợi thế làm nên sức cạnh tranh của thị trường Ấn Độ chính là quy mô thị trường, với diện tích lớn thứ 7 thế giới và dân số lớn thứ 2 thế giới (1,3 tỷ người). Nhờ đó giá nhân công ở Ấn Độ chỉ bằng 1/2 tại Việt Nam. Riêng đối với những ngành công nghệ cao, lâu nay Ấn Độ vẫn đang có lợi thế nổi trội hơn hẳn khi được mệnh danh là “Thung lũng Silicon” của khu vực châu Á.

Cùng với đó, Chính phủ nước này thời gian qua đã có hàng loạt chính sách nới lỏng quy định để thu hút thêm dòng vốn FDI. Đơn cử như cho phép các hãng hàng không nước ngoài sở hữu đến 49% cổ phần đối với hãng hàng không quốc gia Air India; nới lỏng quy định trong lĩnh vực bán lẻ đối với NĐT ngoại…

(Theo Thời báo ngân hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh